Hôn Nhân & Ly Dị
Một Cặp Đũa & Đũa Một Chiếc
December 27, 2008
Một Cặp Đũa & Đũa Một Chiếc
December 27, 2008
Đàn ông, con trai, thanh niên lớn lên tới tuổi trưởng thành thì bắt đầu ước muốn, mộng mơ và khi bị tiếng sét ái tình đánh vào thì dường như có cái gì đó bên trong lòng thôi thúc muốn lập gia đình; Rồi hoặc nhờ người giới thiệu cho mình một cô, hẹn ngày giờ đi coi mắt, hoặc tự làm quen, để rồi tìm cho mình một người vợ dễ thương, xinh đẹp, đoan trang, thuỳ mị, ngoan, hiền, “Công, dung, ngôn, hạnh”, giỏi làm việc nhà, siêng năng chịu khó, thành công trong con đường học vấn; đối với một số người lớn tuổi thì quan niệm “Môn đăng hộ đối” hai bên phải trai tài gái sắc, xứng đôi vừa lứa vẫn còn ảnh hưởng ít nhiều đến sự lựa chọn vợ chồng của con cái.
Phụ nữ, con gái, thanh nữ chưa tới tuổi cặp kê thì có nhiều người dòm ngó, chọc ghẹo; các anh trai tỏ tình, tán tỉnh, làm quen, tìm hiểu, hẹn hò đi chơi và dần dần tiến tới quyết định đi đến hôn nhân. Nhiều người theo truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn còn thích quan niệm để cha mẹ giới thiệu hoặc kén chọn cho mình một người chồng tốt; cha mẹ vui khi chọn được người rể hiền, tốt bụng, tốt tướng, giỏi giang, có bản lĩnh, học hành thành tài cho con gái của mình.
Hôn nhân trong xã hội Hoa Kỳ đang bị khủng hoảng rất nhiều làm cho nhiều người trẻ suy nghĩ đắn đo nhiều hơn và chờ đợi lâu hơn, lo học nhưng vẫn ước mong sẽ gặp được người như ý; Gần đây định nghĩa hôn nhân là gì cũng đang ở vào giai đoạn thách thức; người ta muốn xem lại nó có còn là một sự kết ước hôn nhân giữa hai người nam và nữ hay không?
Dầu con người hay xã hội ở bất cứ quốc gia nào, dù có tân tiến hoặc văn minh đến đâu, dầu có cố gắng dùng chính trị, kinh tế, tài chính hoặc chủ trương tôn giáo thời đại mới thì theo Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh thì hôn nhân vẫn là sự kết hiệp giữa hai người nam nữ với nhau.
Hôn nhân là gì?
Vậy hôn nhân là sự kết hiệp giữa hai người nam và nữ trong giao ước hôn nhân trước mặt Đức Chúa Trời chứng giám và có sự đồng ý, ủng hộ, và hậu thuẫn của gia đình và bà con, bạn bè đôi bên. Hai người đầu tiên là A-đam và Ê-va đã được Đức Chúa Trời kết hiệp trong hôn nhân và Ngài ban phước cho họ.
Hôn nhân không phải là một giao kèo có thể được huỷ bất cứ lúc nào; vui thì ở hoặc buồn thì đi; nó cũng không phải là một sự “sắp xếp thuận tiện” dọn vào share phòng ở chung; ban đầu thì share phòng cho nhẹ tiền nhà, tiền ga, điện nước; có người phụ mình cắt cỏ, dọn dẹp nhà cửa; có người chở mình đi đây đó; có người ở chung nhà cho đỡ sợ và bớt cô đơn, nhưng rồi dần dần hai người share tình hồi nào không biết. Nhiều người ngày nay vì nhu cần nên cứ sống chung với nhau tới đâu thì tới; thuận thì ở, không thì đi kiếm người khác share phòng.
Mục đích của hôn nhân là gì?
Trao và tặng tình yêu thương, cảm thông, chia xẻ, giúp đỡ, và hỗ tương cho nhau. Họ sẽ sinh con đẻ cái cho nhiều, cai quản mọi loài trên đất, làm cho đất phục tùng, sinh sản hoa màu.
Mục đích của tính dục trong hôn nhân là gì?
Đem tình yêu thương, cảm thông giữa vợ chồng trao tặng cho nhau và đem hạnh phúc lâu dài đến cho nhau. Ân ái trong hôn nhân bày tỏ sự hiệp một, giúp cả hai tận hưởng khoái cảm vợ chồng. Hai người yêu thương, gắn bó, chia xẻ vui buồn; vui vì có người để yêu và được yêu.
Khi nói đến đũa một chiếc, tôi xin giới hạn đến hai thành phần sau đây:
1. Những em thanh thiếu niên mới lớn chưa lập gia đình nhưng đã mang thai, làm cho người con gái có thai; người có trách nhiệm thì giữ bào thai cho đến ngày sinh nở, rồi hoặc giữ nuôi hoặc cho những gia đình đang xin con nuôi; nhưng cũng có người không có trách nhiệm đã áp lực bạn gái phá thai; có khi cha mẹ vì sợ mất mặt, xấu hổ với họ hàng, bạn bè áp lực con phá thai; có những người con gái can đảm quyết định giữ con, sinh con ra và một mình nuôi con; dù phải ở chung, sống chung với gia đình cha mẹ hoặc ông bà của mình, những người thiếu nữ trẻ này vừa đi học trung học hoặc mới vào đại học, vừa phải đi làm thêm để có tiền nuôi con của mình. Life is hard, but she’s made it.
2. Những thanh niên nam nữ lập gia đình với nhau nhưng chỉ sau một thời gian ngắn ly dị; xã hội gọi hôn nhân với thời gian ngắn này là “7 year or 3 year itch”. Tức là mới cưới về trong một thời gian ngắn hoặc vài tháng, đôi ba năm, năm bảy năm là đã phải chia tay, ly dị, và đường ai nấy đi. Con cái bị kẹt vào vòng chiến của cha mẹ, phải bị giằng co tinh thần, và tình cảm không biết theo bên phe nào. Thật là khó khăn và đau khổ cho con cái.
Thách thức của hôn nhân ngày nay là gì?
Cách đây vài chục năm thì một trong ba cặp lập gia đình đi đến chia tay, đỗ vỡ hoặc ly dị. Những thống kê mới cho thấy nhiều khi một trong hai cặp lập gia đình đi đến chỗ chia tay.
Những điều gì đã khiến cho hôn nhân đi đến chỗ khủng hoảng trầm trọng như vậy? Có rất nhiều lý do, nhưng vì phạm vi giới hạn nên tôi chỉ đưa ra một vài lý do chính là những yếu tố cơ bản gây ra sự khó khăn cho hôn nhân và khủng hoảng trong gia đình:
1. Hai người không dành đủ thì giờ tìm hiểu nhau đã vội đi đến hôn nhân. Vỡ mộng vì nghĩ rằng tình yêu là một cảm xúc lãng mạn nhiều hơn là hành động thực tế. Ích kỷ nghĩ cho mình, chú trọng về mình quá nhiều nhưng thiếu quan tâm đến người vợ hoặc chồng của mình.
2. Hai người không tránh được sự cám dỗ, bị xác dục lôi cuốn, hoặc bị áp lực ăn ở trước hôn nhân, rồi vội vàng lập gia đình để con sinh ra có cha hoặc có mẹ. Vài người bị áp lực của gia đình: “Con đã ăn ở với cô ấy có thai rồi thì phải có trách nhiệm lập gia đình với người ta.”
3. Sau khi lập gia đình nếu không vun xới tình yêu thì sẽ có nhiều lý do làm cho tình yêu dần dần phai lạt, tình cảm thay đổi, thái độ lạnh lùng, thờ ơ không còn khắn khít như lúc ban đầu. Chiến tranh lạnh xảy ra! Kinh khủng khi nằm gần bên “kẻ thù”! Hai người cần dành thì giờ trở lại, học tập bài học tha thứ, cảm thông, và xích lại gần nhau thay vì nghỉ chơi, cho đi luôn.
a. Vợ chồng khi bị tổn thương, biện minh, viện lý lẽ, cãi nhau về nhiều việc, nhiều chuyện nhỏ thành lớn. Ban đầu thì cãi trong phòng hai người nghe. Lớn hơn chút thì con cái, cha mẹ trong gia đình nghe. Trầm trọng hơn là khi hàng xóm nghe, dĩa bay, chén bay, tường lủng lỗ, xe bị móp méo; cảnh sát được gọi đến làm biên bản đôi ba lần.
b. Vợ chồng có cái nhìn, quan niệm khác nhau, đôi khi không thực tế hay có những sự trông đợi khác (expectations) nhau về hôn nhân; vì mái ấm gia đình không còn như trước nữa, không khí ngột ngạt nên việc làm tại sở dần dần là lý do biện minh để đi sớm, về trễ.
c. Khi vợ chồng có những xung đột chưa giải quyết được thì những đối tác bên ngoài, cô thư ký hoặc ông boss ở sở làm trở nên người để cho vợ hoặc chồng trút đổ tâm sự; khi có người lắng nghe, cảm thông, dẫn đi ăn trưa, ăn tối khiến cho sự nghi ngờ, ghen tương, cay đắng, giận dữ, trả thù và cuối cùng là hết chịu nỗi đi đến chỗ ly dị, đường ai nấy đi.
d. Vấn đề ân ái giữa vợ chồng không như ý muốn, không thỏa mãn, không đem hạnh phúc đến cho nhau; thay vì tìm cách gây dựng thì lại buông xuôi hoặc phá đổ hay dùng tình dục để khống chế nhau. Một khi vợ chồng thiếu sự cảm thông trong lãnh vực ân ái dễ đi đến sự khủng hoảng trong hôn nhân. Dễ hướng ra ngoài và khi có cơ hội thì ông ăn chả bà ăn nem là điều khó có thể tránh được.
e. Vợ chồng tiền bạc chi tiêu trong gia đình bị lấn cấn; ý chồng thế này, ý vợ thế kia; nhiều nhu cầu và trách nhiệm; nhiều chi tiêu không cần thiết khiến cho ngân khoản gia đình trồi sụt, thiếu cân bằng. Một người làm việc nhiều còn người kia thì làm biếng ở nhà; tiền lương thì cố định nhưng chi tiêu thì tăng vọt thường làm cho nhiều căng thẳng.
f. Cách dạy dỗ con cái không được đôi bên thuận phục, đồng ý; Đánh hoặc không đánh con; chìu con quá đáng, để nó leo lên đầu ngồi; không discipline để dạy con hiệu quả.
Ly dị là gì?
Ly dị là sự thất bại trong hôn nhân giữa hai người vợ chồng không còn muốn đối diện vấn đề và tìm cách để giải quyết vấn đề xung khắc nữa nhưng muốn được yên, đường ai nấy đi.
Tại sao lại ly dị?
1. Hết chịu nỗi nhau: Có thể vì được nuông chìu từ khi còn trẻ tuổi, bây giờ vào trong hôn nhân vẫn còn chưa trưởng thành; không biết trách nhiệm trong hôn nhân là gì; ngược lại muốn mọi sự dễ dàng, có người phục vụ, hầu hạ; cơm canh phải nóng, phải ngon, vừa miệng, ăn xong để vợ dọn dẹp luôn còn mình thì cứ tiếp tục coi báo, xem TV hoặc ngược lại thì vợ nói chuyện hoặc đi shopping, tiêu pha. Vợ chồng cần có tinh thần trưởng thành gánh lấy trách nhiệm, lo lắng, chăm sóc lẫn nhau, phục vụ cho nhau. Không nên có tinh thần chồng chúa vợ tôi. Hay là để ông nhà làm hết còn mình không động đến một ngón tay.
2. Mất lòng tin cậy của nhau: gian dâm, tư tình riêng. Có bạn trai, có bồ nhí, vợ bé.
3. Không thể đáp ứng nhu cầu của nhau: Có thể vì coi thường chuyện chăn gối, sự ân ái giữa vợ chồng hời hợt; có thể vì quá tin người bạn của chồng hoặc của vợ nên để người ngoài thừa cơ hội lẻn vào phá vỡ hạnh phúc hôn nhân, cướp chồng, hoặc giựt vợ người ta.
Thái độ và sự hứa nguyện quyết tâm nào cần phải có để xây dựng một hôn nhân bền vững?
1. Vợ chồng cần hiểu rõ rằng:
Đức Chúa Trời muốn ban phước cho hôn nhân. Cả hai cần tìm hiểu rõ mục đích, ý định của Chúa cho hôn nhân; nhìn thấy vợ chồng là món quà Chúa ban tặng cho mình, hỗ tương nhau.
Đức Chúa Trời ghét sự ly dị (Ma-la-chi 2:14-16). Ngài không muốn hai vợ chồng ly dị. Nhưng vì con người có những sự dâm loạn, bất khiết, vì thế Lời Chúa có cho phép: “Ngoại trừ một trong hai người ngoại tình (adultery) và vì sự cứng lòng của họ nên Môi-se đã cho phép họ ly dị. Ý định của Chúa lúc ban đầu thì không có như vậy” (Ma-thi-ơ 19:8-9). Ngài không bắt buộc ly dị, nhưng Chúa cho phép.
2. Nhìn nhận mình có vấn đề cần giải quyết. Ngồi xuống nói ra vấn đề trong không khí cảm thông.
3. Đừng đổ lỗi cho nhau, nhưng biết nhận lỗi, biết xin lỗi và biết tha thứ cho nhau, nhận sự chữa lành từ nơi Chúa để đi tới, xây dựng lại hôn nhân. Loại bỏ sự cay đắng, hận thù, ghen ghét ra khỏi đời sống của mình với sức của Chúa ban cho.
4. Tìm sự giúp đỡ, cố vấn, tư vấn gia đình. Sự giải quyết thoả đáng và tương lai tràn đầy hy vọng vẫn chờ đợi hai người cùng nhau có một tâm tình xây dựng, vun xới làm cho hôn nhân tốt đẹp, con cái, mọi người khác được hạnh phúc lây.
Mến chúc bạn quyết định đúng cho mình, cùng nhau xây dựng, mang hạnh phúc, niềm vui trong hôn nhân đến cho nhau và được hạnh phúc trong đời sống.
Mục sư Nguyễn Vũ Ngọc Linh
No comments:
Post a Comment